***NHỮNG MÓN NỢ VÔ
HÌNH***
Có nhiều người hiện thời
tuy đương trong cảnh đời bần tiện, đói rách, nhưng sự bần tiện, đói rách đó
không đáng phải lo lắng nếu như người đó đã phá được vô minh, hiểu được rằng
nghiệp báo này là do ta tạo lấy! Khi đó sẽ từng bước vun bồi, tích tụ lại ruộng
phước thì lại sớm ngày được sung túc, giàu sang.
Nhưng lạ thay! Có rất
nhiều người trong hoàn cảnh ấy lại không biết được rằng mình đang ở đoạn nào
trong tạp nghiệp thế gian, không biết tự mình cố gắng để không chồng thêm gánh
nghiệp, mà ngược lại họ lại có ý niệm mong chờ sự CỨU GIÚP, sự BAN PHÁT ÂN ĐIỂN
từ chư vị Thánh, Thần, hoặc đơn giản hơn là sự mong chờ ơn huệ BỐ THÍ của những
người khởi tâm thương xót!
Vì lẽ đó cho nên nghiệp
nặng đương mang không những không vơi đi đôi chút mà lại từng ngày trĩu nặng
sâu dày!
Sẽ có nhiều người còn
mơ hồ bất định về Tiếp Thí và Bố Thí, Ruộng Phước và Sản Phước. Cúng Dường và Ứng
Cúng. Ngay cả trong hàng tăng ni.
Vì vậy hôm nay thầy sẽ
thuyết rõ cái lẽ này để cho tất cả cùng thấu triệt mà ứng hành cho hữu ích về
sau!
Trước tiên thầy sẽ giải
rõ về CÚNG DƯỜNG & ỨNG CÚNG!
Trong thập phương thế
giới ngoài Chư Phật được xem là bậc ỨNG CÚNG ra, tất thẩy còn lại đều là nương
tựa, kể cả chư vị Bồ Tát.
Vậy vì sao chỉ có Chư
Phật mới được xem là Ứng Cúng?
Mà Ứng Cúng là gì?
Ứng Cúng nghĩa là người
đó hoàn toàn XỨNG ĐÁNG để nhận lãnh phần DÂNG CÚNG bất kỳ của tín chúng!
Bởi vì một khi tín
chúng dâng cúng một vật phẩm, một bông hoa, một nén hương, một lời tán
thán....v...v. Thì khi đó (người nhận sẽ là kẻ đi vay công đức và người dâng
cúng chính là người cho vay công đức).
Vì người dâng cúng là
người cho vay cho nên tất nhiên họ sẽ lấy cả vốn lẫn lãi (dù họ có muốn hay
không muốn, dù không phải tức thời thì cũng ở vị lai).
Vậy ta thử nghĩ xem! Nếu
một người chưa đạt đến quả vị Phật, mà tự cho mình ỨNG CÚNG thì cũng như ngoài
đời có kẻ chuyên vay lãi cao mà không có điền sản gì để hoàn trả vậy!
Dù cho người đó có chút
phước điền (xem như tài sản để dành) đi chăng nữa thì chỉ vay vài món nợ thôi
cũng đủ làm gia sản lụi tàn rồi, hà huống là vay trăm ngàn món nợ lớn nhỏ khác
nhau!?
Chính vì lẽ này cho nên
mới hiểu rằng: Chỉ có Chư Phật là người đã Triệt Ngộ, Toàn Giác thì công hạnh
là vô biên, vô ngại, mới dám ỨNG CÚNG mọi vật phẩm của người dâng cúng mà thôi!
Ngoài ra không có ai khác nữa!
Bởi vì khi Toàn Giác, đạt
đến quả vị Phật tối thắng thì vật phẩm đó dù có cúng Phật thì cũng được chuyển
hóa hoàn toàn về phúc báo của chúng sanh, một tơ hào, vi tế cũng không đọng lại
nơi Chư Phật!
Vậy phước báo người
dâng cúng vẫn tròn đầy, vẫn đảm bảo. Mà Chư Phật cũng không phải kẻ nợ nần gì.
Ngày nay, tín chúng
cúng dường TAM BẢO thì là cúng dường cho ai?!
Đó chính là cúng dường
Chư Phật chứ còn cho ai nữa?! Các vị tăng sư chỉ là người trung gian chuyển tiếp
mà thôi!
Vậy việc cúng dường
Tăng Sư thì sao?!
Có công đức gì không?!
Như bên trên thầy vừa
giải nói đó!
Người cúng dường là người
(cho vay), còn người nhận cúng dường là người (vay nợ).
Vậy thì chư vị Tăng sư,
nếu ai nhận cúng dường Tam Bảo mà giữ lại cho mình một phần tơ hào nào thì đó
là món nợ cá nhân, chỉ riêng vị tăng sư đó mới là người hoàn trả.
Vậy nếu đương không làm
kiếp tu hành còn tha thiết vun bồi Công hạnh thì vay nợ làm chi cho tan nát sản
gia công đức?!
Cho nên Tăng sư nếu hiểu
rõ lẽ này người ta rất (hiếm khi nhận nợ).
Bởi vì khi nhận Cúng Dường
của tín chúng đó chính là (nhận nợ lãi cao).
Nếu những vị có nhiều
công đức thì vơi đôi chút cũng còn vun bồi lại được, nhưng phần nhiều vị lại
không thấy như thế!
Họ mượn danh Tam Bảo để
nhận bừa mọi thứ, dù công hạnh chẳng tích tụ được gì. Cho nên tu hoài mà cũng
không có tiến triển bao nhiêu, thậm chí còn ngày càng thoái chuyển.
Có kẻ tự nhận mình là
Phật, là Bồ Tát, rồi ung dung ngồi im nhận lãnh sự dâng cúng của Thế Gian.
Nhưng họ nào biết rằng vạn sự trong đời đều có nhân quả tương ứng, vay một trả
ngàn, nào có mất đi đâu?!
Nhân nói đến lẽ này ta
lại thấy vì sao khi người thiện tín cúng dường Chư Phật thì phước báo hiện tiền
ngay tức khắc?! Cúng dường cho chư vị Tăng Sư đức hạnh thì lại có ứng linh vượt
qua được nhiều chướng nghiệp?!
Bởi vì Phật thì luôn có
đủ đầy sản phước để hoàn đáp người dâng cúng, vì vậy phúc báo hiện tiền là lẽ
dĩ nhiên, còn chư vị Thánh Tăng cũng có nhiều sản phước nên khi họ nhận nợ vay,
nợ vay liền được đáp đền.
Còn ngày nay, người đi
cúng chùa, cúng tăng sư rất nhiều mà chướng nghiệp được mấy phần chuyển biến?
Không chuyển biến là phải!
Bởi vì có quá nhiều người cho vay cùng một nơi mà nơi đó chẳng tạo ra được bao
nhiêu phước sản.
Vậy thì lấy gì có phước
sản để trả ngay?! Đành phải nợ đọng, nợ lâu là vậy!
Thói đời mê chấp sâu
dày! Kẻ giàu thì biết sợ nợ, kẻ nghèo lại thích vay thêm!
Vay rồi có chạy được
không?
Không được đâu! Kiếp
này chưa trả, kiếp sau lại trả!
Cũng như vậy! Người
nghèo khổ khi được người ta Bố Thí, giúp đỡ thì phải nên hiểu mình đã nợ nhiều
hơn cái có cho nên mới phải nghèo, vậy giờ mình đang vay thêm đó! Phải cố mà
bươn ra, phải cố gắng đừng vay thêm nữa, mà phải biết để dành để trả dần cho hết
nợ, rồi có dư thừa! Chớ nếu không hiểu lẽ đó, vẫn ung dung nhận lãnh các thứ của
người ta thì đó là ta đang gánh thêm nợ mới! Chớ nào phải đâu vui vẻ, sướng ích
gì đâu?!
Người Bố Thí thì phải
có kẻ Tiếp Thí!
Kẻ đi vay phải có người
Cho Vay!
Phải liễu triệt mà tỉnh
thức!
Ta muốn mình làm (miếng
ruộng) của thế gian hay ta muốn thế gian là (miếng ruộng) của mình đều do ta chọn
lấy!
Ta nhận ân nghĩa, nhận
sự giúp đỡ, nhận bố thí của người khác tức ta là (miếng ruộng) để người khác
vun bồi công đức!
Còn khi ta giúp đỡ người
khác, ta tạo ơn nghĩa cho người khác, ta bố thí cho người khác thì đó chính là
ta tạo lập được (ruộng phước) cho chính bản thân ta!
Thầy xin mượn một định
lý khoa học để cho mọi người dễ hiểu thế này!
(CÔNG ĐỨC KHÔNG TỰ
NHIÊN SANH RA, CŨNG KHÔNG TỰ NÓ MẤT ĐI MÀ CHỈ CHUYỂN BIẾN TỪ NƠI NÀY SANG NƠI
KHÁC!)
NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA
MÂU NI PHẬT!
CHÚC TẤT CẢ TINH TẤN,
LIỄU PHÁP!
0 nhận xét:
Đăng nhận xét